Những bài học từ kinh nghiệm để Startup GAME Moblie thành công là gì?
[24.04.2014]
Chương trình diễn ra chỉ vẹn vẹn 1 giờ 30 phút, nhưng hai anh DŨNG TRẦN, founder đồng thời là CEO của mWork, và anh ĐỖ TUẤN ANH, CEO đồng thời là founder của Appota đã mang đến muôn vàn những chia sẻ xoay quanh chủ đề Startup Mobile.
Đúng 19h ngày 22/4, Tech In Asia- Trang tin công nghệ uy tín của Châu Á, chính thức bắt đầu chương trình Meetup dành cho cộng đồng công nghệ tại Hà Nội với chủ đề: TIPS ON MAKING A SUCCESSFUL MOBILE START UP IN VIETNAM (Tạm dịch: Những lời khuyên để làm một Startup Mobile thành công tại Việt Nam). Chương trình có sự tham gia bảo trợ truyền thông của Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC- VTC Academy, với hy vọng cùng đồng hành để góp phần mang đến cho cộng đồng di động một chương trình ý nghĩa.
Chương trình diễn ra chỉ vẹn vẹn 1 giờ 30 phút, nhưng hai anh DŨNG TRẦN, founder đồng thời là CEO của mWork, và anh ĐỖ TUẤN ANH, CEO đồng thời là founder của Appota đã mang đến muôn vàn những chia sẻ xoay quanh chủ đề Startup Mobile, tất thảy đều ý nghĩa, thiết thực và quý giá vì nó được đúc rút từ chính những bước đi đầu tiên đến thành công đạt được của chính những doanh nghiệp xuất phát điểm là những startup và rồi trở thành 2 doanh nghiệp đi đầu thị trường Việt Nam về lĩnh vực di động hiện nay.
Anh Dũng Trần- CEO mWork (trái) và anh Đỗ Tuấn Anh- CEO Appota (phải)
Có lẽ, việc xác định lĩnh vực di động đang trở thành một “mỏ vàng” chỉ chờ người khai thác tại Việt Nam đã rất rõ ràng. Nhất là khi những con số biết nói sau được giới truyền thông công nghệ “rỉ tai” công chúng suốt thời gian qua: “Việt Nam có đến trên 90 triệu dân, nhưng có trên 130 triệu thuê bao di động hoạt động hiện tại, 19 triệu số thuê bao di động có kết nối 3G, hơn 17 triệu điện thoại thông minh sẽ được bán ra trong năm 2014”.
“Mỏ vàng” di động Việt Nam đang chờ sẵn, nhưng để thành công không phải là điều đơn giản. Vậy làm thế nào để khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực này, trước tiên nên biết tại sao khởi nghiệp lại thất bại. Tại sự kiện, anh Tuấn Anh chia sẻ “Lý do các startup thất bài vì thiếu thực tế, từ đó chọn hướng đi sai. Thường làm những thứ mình thích mà không làm những thứ thị trường cần”. Từ đó, anh đưa ra lời khuyên cho một startup: Thứ nhất, cần tìm những gì thị trường cần, có cái gì mình thích thì mình làm cái đó. Để làm được cần hiểu rõ bản thân mình, mạnh gì yếu gì, vì không hiểu bản thân thì sẽ không biết mình thích gì.
Còn anh Dũng Trần lại chỉ ra một lý do thất bại khác, xuất phát từ những startup nổi tiếng một thời: “Việc có quá nhiều người giỏi và không ai chịu nghe ai cũng là lý do khiến Startup thất bại. Cần tìm được những người đồng hành phù hợp để xây dựng Team tốt. đó là những người có thể bổ khuyết điểm mạnh-yếu cho nhau, hỗ trợ cho nhau”. Anh Tuấn Anh giải thích thêm “Tìm người phù hợp rất khó. Sự phù hợp này có khi còn quan trọng hơn cả vấn đề chuyên môn, năng lực rất nhiều”.
Trước quan điểm "Muốn kiếm được nhiều tiền thì phải biết chia tiền" mà anh Tuấn Anh (Appota) chia sẻ đã gây ấn tượng rất mạnh đến người tham gia
Vậy làm thế nào để thu hút và giữ người đi cùng mình trong suốt chặng đường dài. Từ vai trò của những người là leadership,CEO của Appota, anh Tuấn Anh nói: “Muốn giữ người tài cần chân thành với họ, chia sẻ những ý tưởng của mình với họ, chia sẻ hết không nên giấu. Quan trọng nhất đó là phải ghi nhớ một điều: muốn kiếm được nhiều tiền thì phải biết chia tiền”.
Người đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng và mang đến cộng đồng mobility Hà Nội sự kiện ý nghĩa lần này đó chính là Anh Minh Đỗ (Anh-Minh Do)- Đại diện của TechInAsia tại Việt Nam
Xuất phát từ kinh nghiệm gây dựng Appota trở thành đơn vị dẫn đầu tại Việt Nam cung cấp nền tảng phân phối ứng dụng mobile một cách toàn diện cho các nhà phát triển ứng dụng và phát hành game, anh Tuấn Anh đã bật mí sự thành công như hôm này một phần chính nhờ việc tìm người phù hợp với văn hóa công ty. Và theo anh “Đối với tất cả các startup ngay từ lúc đầu nên hình thành nét văn hóa chung của startup mình, nét văn hóa này sẽ trở thành xương sống của công ty, để bạn có thể tìm người phù hợp”. Và anh cũng chỉ ra hậu quả của việc “xuề xòa” trong việc tìm người đó là: “Những người không phù hợp sẽ dẫn đến: một là phá hỏng công ty, hai là trước sau gì cũng ra đi, ba là lôi tất cả nhân sự công ty đi theo”
Về vấn đề dụng người tài, CEO của mWork- một trong những mạng lưới liên kết mobile tiên phong tại Việt Nam, anh Dũng Trần đưa ra bốn ý: “ Thứ nhất, chung tầm nhìn, hướng đi. Thứ hai, tạo cho họ những thách thức, vì người tài bao giờ cần có thách thức. Thứ ba, cần tạo cho họ sự tự do trong khuôn phép, người tài không thích sự gò bó. Và yếu tố thứ tư đó là cần làm doanh nghiệp của bạn chạy thật, nếu không chỉ cần 3-6 tháng họ sẽ rời bỏ mình”.
Trước giấc mơ startup mobile của nhiều bạn trẻ, thì vấn đề kinh phí trở thành một rào cản không hề nhỏ, vậy “bao nhiêu tiền là đủ để có thể startup?”. Trước câu hỏi này, cả hai vị khách mời của chương trình đều có chung quan điểm: “Tiền không quá quan trong, startup không cần quá nhiều tiền”. Tuy nhiên, “Cần số tiền để bạn giúp team mình đủ sống đến ngày làm ra sản phẩm, trong 6 tháng không đưa ra sản phẩm, hãy cho nó chết và làm lại cái khác”- anh Dũng Trần chia sẻ.
Sự kiện còn có sự xuất hiện đặc biệt của Kim-Mai (ngoài cùng bên phải), đại diện của Trang tin tức công nghệ nổi tiếng TechCrunch
Cuối cùng, điều then chốt của một startup, mà cả hai vị khách mời muốn nhấn mạnh, đó chính là: Đừng chỉ “đau đầu” bảo vệ ý tưởng của mình, hãy hành động để làm ra sản phẩm. Bởi đơn giản “Ý tưởng rất rẻ, hãy quyên chuyện bảo vệ ý tưởng, chỉ có thể đánh giá ý tưởng đó tốt hay không khi bạn ra được sản phẩm”. Và cách bào vệ ý tưởng tốt nhất đó chính là làm ra sản phẩm và phát triển nó để tất cả mọi người biết đến sản phẩm đó là của bạn.
Kết thúc chương trình giao lưu, gần 200 bạn trẻ có mặt tại sự kiện tỏ rõ sự hài lòng vì đã có một buổi gặp mặt ý nghĩa, với những con người ý nghĩa xoay quanh câu chuyện thiết thực dành cho cộng đồng di động Việt.