Làm Game “Hãy làm ngay chứ đừng có ngồi nói”

[23.10.2014]
“Tiền có thể kiếm từ 250$ có thể lên thành 2500$ nếu có sản phẩm thành công, như Rovio vậy, sau hàng chục game thất bại, chỉ 1 game thành công sẽ trở thành công ty triệu đô. Quan trọng vẫn là làm cái mình thích và tự do làm điều mình thích”.

Đó là câu trả lời của Nguyễn Khắc Phú - CEO & Founder của Zroot Games- nhóm startup đầu tiên của VTC Academy mà tôi được biết trước câu hỏi tò mò: “Tại sao lại chấp nhận startup khi có tháng cá nhân bạn chỉ nhận được mức lương 250$, trong khi với năng lực của cậu đi làm cho các công ty sẽ đạt thấp nhất 400-500$”.

 

Zroot Games là một startup mới thành lập được 6 tháng, do Nguyễn Khắc Phú (Học viên khóa 1 ngành Thiết kế 3D Game tại VTC Academy Hà Nội) đứng đầu. Hiện tại nhóm gồm 6 thành viên, họ đều là những người anh em “Học chung rồi chơi chung thôi, nhất là game DOTA 2”, gồm: 

Nguyễn Khắc Phú (Khóa 1- 3D Game Design) - Lead Animation, Nguyễn Tiến Khánh (Khóa 1- Game Development) Lead Programmer, Nguyễn Hoàng Long (Khóa 1- 3D Game Design) - Lead Artist, Lê Hoàng Giang (Khóa 1- 3D Game Design)- 2D & 3D Artist, Trần Trung Kiên (Khóa 6, 3D Game Design) - 2D Artist, Văn Trung Hiếu (Khóa 3, 3D Game Design)- 2D & 3D Artist.

 








Fanpage: https://www.facebook.com/zroot.games
Google Play: https://play.google.com/store/search?q=zrootgames
 
Trong số các thành viên của Zroot Games, có lẽ “nổi tiếng” thu nhập khủng trong cộng đồng VTC Academy Hà Nội nhất, chính là Nguyễn Tiến Khánh (Học viên khóa 1 ngành Lập trình Game), cậu ấy có thể làm game một cách độc lập và từ các game của mình để “có vài tháng đẹp trời thu nhập lên đến 250 triệu/tháng”.

 
Nguyễn Tiến Khánh "có vài tháng đẹp trời thu nhập lên đến 250 triệu/tháng”

Việc “triệu tập” được những người như Tiến Khánh, Nguyễn Khắc Phú chia sẻ: “Có những cá nhân xuất sắc có thể chủ động kiếm tiền mà không cần tham gia nhóm nhưng đã là nhóm thì phải có chung chí hướng thì mới gắn kết được”. Và đó cũng là lý do tiên quyết của Tiến Khánh để đưa cậu đến và gắn bó với Zroot Games, ngoài ra Khánh cũng chia sẻ sự khác biệt giữa làm việc cá nhân và nhóm: “Làm việc cá nhân thì mình thích làm gì thì làm còn làm việc nhóm thì phải quân tâm đến cả mọi người trong nhóm thích làm gì với phải quản lý công việc. Làm một mình thì không có khả năng phát triển thêm nữa. Làm nhóm có thể học thêm nhiều thứ”.

Vậy công việc thường ngày, khó khăn và ước mơ của Zroot Games là gì?, VTC Academy đã có buổi phóng vấn với CEO & Founder của Zroot Games -Nguyễn Khắc Phú:

Bạn có thể nói qua về quá trình hình thành sản phẩm của Zroot Games từ ý tưởng đến khi hoàn thành?
 
Các sản phẩm game của Zroot Game hiện nay được phát triển theo 2 hướng:

Để “lấy ngắn nuôi dài” nhóm sẽ học hỏi từ những sản phẩm khác, thêm thắt những ý tưởng của mình, đôi khi là không bổ sung gì cả. Phần lớn là những ý tưởng cũ, những gameplay cũ nhưng sẽ được xào nấu lại cho hợp với nhu cầu hiện tại của cộng đồng.

Ngoài những sản phẩm làm để có đồng ra đồng vào thì nhóm vẫn đang triển khai các sản phẩm đầu tư hơn, chất lượng hơn. Hiện nay, nhóm đã có một số ý tưởng khá hay. Thành công của những game này mới đánh giá được  nhóm có thành công hay không.

 
Các game của Zroot Games trên Google Play
 
Đối với một đơn vị startup như Zroot Games, chắc có nhiều trở ngại trong quá trình vận hành, các bạn đã vượt qua việc đó như thế nào?
 
Chỉ có cố gắng và tiếp tục kiên trì chứ không có dừng lại, startup sẽ có nhiều rủi ro và có thể không đem lại thành quả từ những bước đầu, những sản phẩm đầu. Hiện tại nhóm đang gặp phải những khó khăn bước đầu đó.

Sức cạnh tranh của ngành là rất lớn (app/game mobile thay đổi hàng giờ, hàng phút), để sản phẩm được tồn tại trong sức cạnh tranh khắc nghiệt, người lập trình/thiết kế cần các tố chất gì để theo nghề?
 
Giai đoạn trước đây có thể là làm càng nhiều sản phẩm "rác" càng tốt, nhưng giờ có lẽ nó đã không đúng. Sản phẩm phải tốt phải được quảng cáo mới có thể đứng vững.

Cần phải nắm bắt thị hiếu người chơi cũng như những yếu tố giúp sản phẩm đạt doanh thu cao. Những yếu tố đó là gì thì cần thời gian mới rút ra được những bài học. Mỗi sản phẩm là một kinh nghiệm, một bài học cho nhà phát triển.

Việc phát hành sản phẩm nội dung số nói chung, các sản phẩm game của Zroot Games gặp những thuận lợi và khó khăn ra sao?
 
Thuận lợi là không tốn một đồng nào cho việc quảng bá sản phẩm, rất tốt cho các nhóm phát triển nhỏ lẻ nhưng đồng nghĩa đó là khó khăn cho chính sản phẩm phát hành.

Không có kênh truyền thông tốt, sản phẩm sẽ không tới được những đối tượng mà mình hướng tới. Những sản phẩm hay cần phải quảng cáo rộng rãi như cái cách mà Clash of Clans hay những game triệu đô khác đã làm. Những game làm ra phần lớn là mang tính tự phát và chờ đợi vào may mắn.

 
Game Super Teemo- game đầu tiên trên iOS của Zroot Games

Bạn chia sẻ điều gì về những bạn trẻ đang đi theo con đường giống bạn?
 
Hãy làm ngay chứ đừng có ngồi nói, vì thành công chỉ đến sau khi thất bại, nó có thể đến ngay lập tức với những ai có tố chất, có sự may mắn và lòng kiên trì nhưng những người chỉ ngồi nói thì không thể có được thất bại chứ đừng nói tới thành công.
 
Ước mơ của Zroot games là gì?
 
Trở thành EA hay cỡ Rovio thôi là được (Cười lớn). Nhưng hiện tại có lẽ chỉ mong muốn một vài game triệu lượt donwload là vui rồi.

 
 

Giới thiệu thêm về

EA: http://www.ea.com/mobile

EA là một công ty hàng đầu ở lĩnh vực game, với các sản phẩm nổi tiếng như Plant vs Zombie, Bejeweled mà các bà, các chị, các thanh thiếu niên ngồi giết thời gian.

Rovio: http://www.rovio.com/en/our-work/games

 
Thất bại sau hàng loạt sản phẩm, Rovio nổi lên như một hiện tượng với siêu phẩm thành công là Angry Birds và hàng loạt phụ bản của nó.