Tiêu chí phân loại game online: Còn nhiều tranh cãi
[29.07.2010]
Trong khi ở thế giới phân loại game online
dựa vào độ tuổi là chính và có nhiều tổ chức uy tín đưa ra các tiêu chí,
thì ở Việt Nam tiêu chí phân loại game online vẫn còn rất mù mờ.
Phân loại game ở thế giới: Độ tuổi quyết định
Ủy ban Đánh giá Phần mềm Giải trí ESRB là một
đơn vị phi lợi nhuận hoạt động độc lập được thành lập từ năm 1994 bởi
Liên đoàn Phần mềm Giải trí ESA (Bắc Mỹ). ESRB chuyên xếp hạng nội dung
các game, đưa ra các chỉ dẫn về quảng cáo game và đảm bảo các quyền
riêng tư trên mạng cho nền công nghiệp phần mềm giải trí tương tác. Mục
đích thành lập của ESRB là giúp cho người tiêu dùng, đặc biệt là các phụ
huynh, có thể quyết định đúng khi mua game cho gia đình bằng cách đưa
ra các thông tin phân loại tuổi và nội dung game, góp phần làm cho ngành
công nghiệp game có trách nhiệm hơn với các chương trình quảng cáo game
trên thị trường. Tiêu chí đánh giá game của ESRB được phân loại như
sau: EC (early childhood: dành cho trẻ em), E (everyone: tất cả mọi
người), E10+ (người trên 10 tuổi), T (teen: dành cho thanh thiếu niên,
trên 13 tuổi), M (Mature: chỉ dành cho người 17 tuổi trở lên) và AO
(Adults only: chỉ dành cho người đã đủ 18 tuổi).
Ở Nhật Bản, hiệp hội có chức năng tương đương
ESRB là CERO, nơi chịu trách nhiệm về việc phân loại game cho mọi lứa
tuổi. Đánh giá của CERO dựa trên năm chữ cái: A (mọi lứa tuổi), B (12+),
C (15+), D (17+), và Z (18+). Trong đó ở đánh giá Z là dành cho các
game có mức độ bạo lực cực đoan. Khi một bìa đĩa game nào đó có chữ Z
thì cũng đồng nghĩa với việc game đó sẽ bị cấm quảng cáo công cộng ở
Nhật Bản.
Pan European Game Information (PEGI) là hệ thống
đánh giá phân loại game được thành lập để giúp đỡ cha mẹ có được quyết
định về việc chọn mua các sản phẩm game cho con cái, thông tin được ghi
chú ngay trên bìa đĩa giúp họ dễ dàng lựa chọn. Được thành lập và đi vào
hoạt động từ tháng 4/2003, nó đã thay thế cho nhiều hệ thống đánh giá
khác và sử dụng chung cho cả châu Âu.
Ngày nay hệ thống PEGI được sử dụng trên 30 quốc
gia, được dựa trên những quy tắc sản xuất, những quy định về sản phẩm
áp dụng cho các nhà phát hành có hợp đồng cam kết với PEGI. PEGI phân
loại các sản phẩm ra làm 5 cấp tuổi và 8 mô tả nội dung quy định cho
từng lứa tuổi. Đến năm 2009, PEGI đã đánh giá hơn 11.000 trò chơi. Trong
đó có 50% được đánh giá ở độ tuổi 3, 10% ở độ tuổi 7, 24% ở độ tuổi 12,
12% ở độ tuổi 16 và 4% ở độ tuổi 18.
Tiêu chí phân loại game online ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi.
Phân loại game ở Việt Nam: Vẫn còn mù mờ
Đến nay game online ở Việt Nam đang bước sang
năm thứ 6, số lượng game online trên thị trường ở mọi thể loại đã hơn
con số 50, thế nhưng tiêu chí phân loại cho các game này có thể nói vẫn
còn đang rất mù mờ và chưa có gì là cụ thể.
Tiêu chí duy nhất được công bố về phân loại game
online ở Việt Nam, có thể nói là 3 nhóm tiêu chí với 6 mức độ bạo lực
cơ bản về game online được Sở TT&TT TP.HCM mới đưa ra gần đây. Tuy
nhiên, tiêu chí này vẫn còn nhiều tranh cãi và theo ông Lưu Vũ Hải, Cục
trưởng Cục quản lý PTTH và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), đơn vị trực
tiếp quản lý và cấp phép game online, thì tiêu chí này chỉ có giá trị
tham khảo.
Thực tế ở Việt Nam, hoàn toàn có thể áp dụng
những tiêu chí phân loại về độ tuổi của các tổ chức uy tín trên thế
giới. Thế nhưng, có một vấn đề nan giải là đến nay chúng ta vẫn chưa đưa
ra được hình thức quản lý game thủ bằng chứng minh nhân dân khi họ tham
gia chơi game online. Chính vì vậy, có phân loại theo độ tuổi như trên
cũng khó mà kiểm soát được game thủ, ngăn cấm họ chơi game này hay game
kia.
Thiết nghĩ trong thời gian chờ một phương án cụ
thể, cách tốt nhất để phân loại rõ game online, có lẽ cơ quan chức năng
cần dựa vào các tiêu chí trên để gắn “nhãn” cho các game online đang
phát hành tại Việt Nam. Việc đưa ra game nào là bạo lực, game nào phù
hợp với lứa tuổi nào… để quy định cụ thể với các cửa hàng Internet cũng
giúp phụ huynh có thể quản lý con em mình nên chơi game nào.
Theo ICTnews