Bộ TT&TT: Game online - quản nhưng không cấm

[29.07.2010]
Tại cuộc họp ngày 27/7 về quản lý game online, Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo từ 1/9/2010 sẽ cắt đường truyền và đóng cửa các đại lý Internet không thực hiện đúng quy định đóng cửa trước 23 giờ.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ tạm ngừng cấp phép trò chơi trực tuyến mới đến hết năm 2010; xoá bỏ các trò chơi bạo lực tiến tới nghiêm cấm quảng cáo những trò chơi đối kháng.

Cần sớm có cơ sở dữ liệu chứng minh thư điện tử

Thông tin những nội dung của quy chế quản lý trò chơi điện tử đang được Bộ TT&TT hoàn chỉnh, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, quy chế mới sẽ thắt chặt đầu vào của game online theo đó những trò chơi chưa được cơ quan QLNN cấp phép, kể cả trò chơi có máy chủ đặt tại nước ngoài, đều được coi là bất hợp pháp. Đồng thời, nội dung trò chơi sẽ được tăng cường chất lượng thẩm định bởi một hội đồng cấp Bộ (chứ không phải cấp Cục như hiện nay) với sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhằm bảo đảm tính khách quan và chặt chẽ hơn. Đặc biệt, với người chơi, sẽ cấm trẻ từ lớp 1-12 được vào quán Internet từ 8h-17h hàng ngày. Như vậy, cùng với quy định ngừng cung cấp dịch vụ tại các đại lý Internet sau 23h, thời gian để trẻ chơi game tại cửa hàng Internet chỉ còn rất ít.

Cũng theo dự thảo quy chế, sẽ phân loại trò chơi thành 2 nhóm dành cho người từ 18 tuổi trở lên và dành cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, về lâu dài cần phân loại cụ thể hơn, tập trung kiểm soát chặt những trò chơi dành cho lứa tuổi 14-17 vì đây chính là nhóm có nhiều tác động tiêu cực khiến xã hội lên án thời gian qua. Đồng thời, để thuận lợi hơn cho việc kiểm tra thường xuyên của cán bộ địa phương, phải yêu cầu các DN bằng biện pháp kỹ thuật dán nhãn trò chơi theo lứa tuổi nào, hiển thị ngay trên màn hình trò chơi chứ không chỉ là những quy định được cất trong hồ sơ .

Một nhu cầu cấp bách là phải xây dựng được hệ thống quản lý chứng minh thư điện tử. “Cũng như quản lý thuê bao di động trả trước, việc đăng ký thông tin cá nhân và kiểm chứng tính xác thực của thông tin đăng ký là cái gốc của vấn đề. Nếu không có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chứng minh thư nhân dân điện tử thì mọi quy định của văn bản pháp luật không có ý nghĩa”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề xuất.

Khẳng định đây là công việc quan trọng cần phải làm nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành TT&TT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết thời gian tới sẽ phối hợp Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống chứng minh thư điện tử. Trước mắt, Bộ sẽ chủ động phối hợp với công an tỉnh triển khai hệ thống này tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Tăng sự nghiêm túc từ xã, phường

“Không thể cứ có bắn súng đều được coi là bạo lực”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định và cho biết sẽ có những quy định cụ thể hơn thế nào là trò chơi có tính bạo lực. Chẳng hạn sẽ cắt bỏ hoàn toàn những trò chơi có cảnh đầu rơi máu chảy, giết người, hình ảnh rùng rợn... “Cần phải có nhận thức rõ ràng về những mặt tích cực của game online để có thái độ ứng xử đúng đắn. Quan điểm của Bộ là tìm biện pháp quản lý chứ không ngăn cấm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Với các kiến nghị mới đây của TP.HCM và Hà Nội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, phải xem lại cách các địa phương này đã làm trong công tác quản lý game online thời gian qua đã thực sự triệt để chưa?

Thừa nhận những bất cập của Thông tư 60 quản lý trò chơi trực tuyến được ban hành năm 2006 cần sớm được sửa đổi, tuy nhiên ông Lưu Vũ Hải cho rằng, ngay cả những quy định hiện hành cũng không được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Chẳng hạn như những quy định đối với đại lý Internet phải yêu cầu người chơi khai báo thông tin cá nhân, lập sổ theo dõi người chơi, ngừng cung cấp dịch vụ sau 23h... hầu như không được thực hiện. “Qua điều tra có tới trên 50% số đại lý Internet tại TP.HCM chưa từng có cơ quan quản lý đến kiểm tra, trên 70% không hề biết có quy định quản lý giờ cung cấp dịch vụ”, ông Hải cho biết.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đặt câu hỏi: liệu chính quyền địa phương đã làm đúng quy định hiện hành chưa hay đang dễ dãi, buông lỏng trong quản lý và thiếu cương quyết khi xử phạt vi phạm. “Không nên cứ thấy có bức xúc xã hội là quy trách nhiệm cho văn bản pháp luật chưa đúng rồi sửa”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

Theo kinh nghiệm quản lý tại địa phương, Phó giám đốc Sở TT&TT Nghệ An Đặng Khắc Thắng nhận định, chính quyền xã, phường đặc biệt là lực lượng công an biết rất rõ hoạt động của từng gia đình, từng đơn vị kinh doanh trên địa bàn, không thể nói là họ không biết cửa hàng Internet nào vi phạm quy định về giờ đóng mở cửa mang tính chất thường xuyên. Vấn đề chỉ là các đơn vị này thực hiện chức năng đầy đủ và triệt để đến đâu?

Trước mắt, đối với thời gian đóng mở cửa đại lý Internet, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chỉ đạo, từ 1/9/2010 khi các đại lý không tự giác thực hiện quy định của pháp luật, sẽ cắt đường truyền và đóng cửa các đại lý Internet từ 23h đến 6h sáng hôm sau. Đồng thời, sẽ tổng kiểm tra những đại lý đã được cấp giấy phép, cảnh cáo nếu vi phạm nhẹ, rút giấy phép nếu vi phạm nặng và không đủ điều kiện, thực hiện cơ chế “2 thẻ vàng = 1 thẻ đỏ” nếu tái phạm. Trong khi chờ Chính phủ ban hành quy chế quản lý trò chơi điện tử, Bộ TT&TT sẽ tạm dừng cấp phép mới trò chơi trực tuyến đến hết năm 2010 bắt đầu từ tháng 8 và triển khai nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật cao về bảo đảm an ninh mạng để quản lý trẻ em như thiết bị gắn vào máy tính để nhận diện trò chơi, thiết bị hạn chế trẻ truy cập trò chơi... để cung cấp cho các gia đình có nhu cầu quản lý con em tại nhà.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn

“Một mặt Bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp tự rà soát lại toàn bộ trò chơi đang phát hành, tăng cường các biện pháp quản lý để thực hiện việc quy định giờ chơi. Khi có quy chế mới sẽ xem xét để thẩm định lại các trò chơi đã cấp phép”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng

"Quản lý thời gian chơi nên suy nghĩ đến biện pháp kinh tế như tăng giá cước đối với những người chơi lâu, càng chơi nhiều thì giá cước càng cao. Như vậy trẻ ở tuổi vị thành niên không thể có nhiều tiền để chơi quá lâu”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng

“Vấn đề là phải thấy rõ trách nhiệm của nhiều bên trong việc này. Trò chơi cũng cần phải có tính thi đấu, không nên cứ có đánh nhau thì coi là bạo lực. Hơn nữa, trong xử lý tiêu cực, kinh nghiệm của các nước là chú trọng đến người cung cấp chứ không phải người sử dụng”.


Theo ICTnews