Thử biện hộ cho Game Online

[13.08.2010]
Đây là cáo trạng của các bậc phụ huynh về Game online:

“Quảng bá và kích động bạo lực. Đùng đoàng chí chóe thâu đêm. Giết người hàng loạt. Đâm chém không ghê tay. Nghiện game đến biếng ăn quên ngủ. Ham chơi lười học. Sức khỏe sa sút đầu óc mụ mị... Hao tiền tốn sức mất thời giờ vô bổ. Thần kinh rơi vào trầm cảm, stress. Nạn nhân là hàng loạt trẻ vị thành niên”.

Nhưng. Phần còn lại là các phụ huynh trí thức trẻ, lại có cách nhìn khác:

“Game online là trò chơi giải trí. Giống như đánh cờ vua cờ tướng. Nó khuyến khích động não tính toán đường đi nước bước logic. Luyện trí thông minh và kĩ năng ứng xử nhanh. Mở rộng tri thức. Thế mới gọi là chơi mà học. Có điều là phải chọn game mà chơi”.


Thử biện hộ cho Game Online.

Tranh tụng về game online thời gian này đang “nóng”.

Nhớ lại cách nay hơn chục năm, là cuộc tranh tụng về internet - một thế giới phẳng trong truyền thông. Cái gì trên internet cũng cho là ảo: tin ảo, hình ảnh ảo, văn học ảo, tình ảo, tài khoản ảo…Vậy mà những sản phẩm ảo đó đã vượt qua các bức tường lửa một cách ngoạn mục đến với màn hình máy tính mỗi gia đình, công sở. Đã là xu thế của thời đại thì không thể cưỡng. Cuộc sống hiện đại nói chung và truyền thông thời @ nói riêng đã phân chia chúng ta thành hai xã hội cư dân: Cư dân truyền thông truyền thống (báo in, phát thanh, truyền hình) và cư dân mạng (internet). Nó cũng phân hóa chúng ta về nhận thức thuộc ba lứa tuổi: cao tuổi, trung tuổi và trẻ tuổi. Giống như trên xa lộ có ba tốc độ cùng vận hành. Lớp cao tuổi luôn dị ứng với cái mới lạ, thiên về tư duy phải trái qua lăng kính truyền thống mà cẩn trọng sợ vấp ngã, di chuyển chậm. Cũng có thể là chân đã yếu và tay đã mềm.

Lớp trung tuổi đi nhanh hơn một chút nhưng mặc cảm tội lỗi, đắn đo do dự trước những cái khác thường. Thích thì có thích nhưng lại sợ. Giống như ăn gỏi cá hồi mặc dù đã ướp chanh và chấm mù tạt nhưng còn thử từng miếng từng miếng một, vừa ăn vừa canh chừng.

Lớp trẻ tuổi không nghĩ lâu. Bắt cái mới cực nhạy. Đi là đi. Đón nhận là đón nhận ngay và từ chối cũng thế. Họ đi băng băng với gia tốc như gia tốc trọng trường, không quay nhìn lại, đến nỗi hai lớp tuổi trên tụt sau thấy không an tâm vì không kiểm soát nổi lớp hậu sinh.


Thế hệ trẻ đang phát triển rất nhanh và năng động.

Với truyền thông, 99% lớp tuổi hậu sinh thuộc xã hội cư dân mạng. Dân số chiếm 70% dân số cả nước. Có lẽ vì thế dung lượng thông tin trên truyền thông mạng đã dành tỷ lệ xứng tầm cho tuổi teen, tuổi 9X, 8X và một phần của 7X. Thú thực là tôi đã online vào khu vực dành riêng này, thấy nội dung rất gần gũi với họ, và có lúc tôi còn nuối tiếc khi ở tuổi họ đã... “thất học”.

Người ta nói “thông tin mạng là thông tin ảo”, và “văn học mạng là văn học ảo”, nhưng cư dân mạng lại là cư dân thật có hộ tịch và chứng minh thư nhân dân. Vì thế văn học mạng đã giao phối với văn học in trên giấy qua hai bài thơ ví dụ sau: Chát với Môza, và, Hãy E-mail cho anh nhé!

Tôi thuộc lớp cao tuổi. UNESCO của Liên hiệp quốc có định nghĩa về mù chữ là thế này, có ba cấp độ: 1/ không đọc và viết được chữ quốc ngữ của tổ quốc mình. 2/ không nhận biết được các kí hiệu công cộng trong cộng đồng. 3/ không biết sử dụng máy vi tính. Tôi thuộc loại người phải xóa mù ở cấp độ 3. Tự ái nên đã gắng sức học. Nay thì tôi đã hoàn thành xóa mù.

Giờ, báo mạng được nằm trong hệ thống báo chí nói chung hoạt động trong khuôn khổ quy định của Luật Báo Chí. Tưởng ảo mà hóa thật. Internet là truyền thông đa phương tiện nay đi vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phổ cập, cần thiết như ăn và thở. Không còn chuyện ngăn trở không được đọc cái này mà chỉ được đọc cái kia. Mỗi người đã biết tự lựa chọn và tự hướng dẫn mình. Thì lại nảy sinh tranh tụng về game online. Mà game online lại nằm trong mạng internet. Mà game lại có game nội game ngoại. Vậy là đến lượt game online phân chia game thủ thành hai loại: chủ động nhận thức và thụ động nhận thức. Dư luận cũng hai: lên án và ủng hộ.


Trung Quốc đã phát triển thành công nền công nghiệp game online của mình với nhiều sản phẩm ấn tượng.

Nước láng giềng Trung Quốc quản lí game online bắt đầu bằng lộ trình xây dựng và phát triển công nghiệp sản xuất game, coi nó là một phân khúc công nghiệp giải trí phù hợp với truyền thống văn hóa, giáo dục, đạo đức, thuần phong mỹ tục của đất nước và nhân dân họ. Bốn năm sau, giờ đây, Trung Quốc trở thành một trong những “cường quốc” công nghiệp game. Tuổi teen Trung Quốc xài game Trung Quốc, vì nó hay và hợp “gu”. Họ còn xuất khẩu. Cũng tựa như ta vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thì trước nhất là ta phải nâng cao chất lượng để có hàng Việt tốt, đẹp như hàng ngoại, mà lại rẻ hơn hàng ngoại. Đừng quên công nghiệp sản xuất game, dịch vụ game online là một ngành kinh doanh, đóng góp một tỉ trọng không nhỏ cho tổng thu nhập quốc dân (GDP).

Chúng ta có những doanh nghiệp bắt đầu sản xuất game như VTC Game. Chúng ta không thiếu những nhân tài công nghệ thông tin và đồ họa để thiết kế những bộ game có đẳng cấp quốc tế, hấp dẫn lôi cuốn lớp trẻ và cả phần còn lại. Những nhà cung cấp dịch vụ game online như VTC chẳng hạn, đã và đang mở rộng thị trường game do chính mình sản xuất và game ngoại có chọn lọc. Chọn lọc rồi thì phối hợp với nhà sản xuất ngoài nước Việt hóa nội dung. Chọn lọc không phải theo nghĩa phân loại, mà là xếp cấp độ, cấp độ giải trí và giá trị trí tuệ ở cấp độ nào. Game là một trò chơi giả tưởng. Một phim giả tưởng Mỹ công chiếu gần đây nhất có tựa đề Năm 2012, mô phỏng do biến đổi khí hậu đã gây ra những đường nứt toác lớn làm cả thành phố Los Angeles gãy rời từng mảng nghiêng chìm xuống biển cả. Những tòa nhà chọc trời đua nhau gục xuống răng rắc rợn người.


Nhà đổ, người chết trong phim 2012 cũng là bạo lực hay nghệ thuật phục vụ giải trí ?

Bạo lực chăng? Không. Người ta biết thừa đó là kỹ xảo đồ họa 3D giống như là người ta đã làm vậy với thiết kế các nhân vật và bối cảnh trong game. Đó là một trò chơi ứng dụng khoa học công nghệ cao. Những phim như thế, những game như thế là thuộc cấp độ giải trí và giá trị trí tuệ có đẳng cấp. Ta nói chơi game, là giải trí, giải stress, hình trong game là mô phỏng có cách điệu như tranh biếm họa, cốt truyện là giả tưởng, là phịa, những tình huống vui hấp dẫn đến không tưởng, nhưng lẩn khuất trong và sau cuộc chơi là một thông điệp dạy khôn ta tùy theo ý tưởng của người xây dựng game đó. Không ai dại gì lại học và làm theo hành động của những nhân vật giả tưởng trong game. Người ta đã sai lầm khi trẻ hư, thậm chí phạm pháp, lại đổ lỗi cho game online. Mà nguyên nhân lại từ gia đình thiếu hướng dẫn, quản lí, giáo dục kĩ năng sống và ứng xử cho trẻ. Game online vô tội.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng không biên giới về truyền thông viễn thông. Và hội nhập văn hóa toàn cầu. Chỉ với việc làm đẹp cho phái nữ thôi mà ở Việt Nam nay có hẳn một ngành thời trang chăm lo các kiểu, quần áo từ trong ra ngoài, từ mái tóc đến làn da, từ đôi giầy đôi dép đôi tất đến móng chân móng tay, nước hoa, dầu tắm…cho cả bốn mùa. Ngày Lễ Tình yêu đâu của dân tộc Việt. Vậy mà nay ngày Valentine các cửa hàng hoa và quà lưu niệm mang hình trái tim “cháy hàng”. Làm phụ nữ sướng thật. Vợ tôi ở tuổi 60 vào ngày đó còn nhắc nhở tôi “Anh đừng có mà chạy làng quà Valentine của em đấy nhé!”

Tôi có ông bạn lứa tuổi già, một dịch giả văn học Trung Quốc ở phân khúc truyện mini. Truyện ông dịch in đều đều ở nhiều báo. Các nhà xuất bản đã in cho ông tới năm cuốn sách truyện mini Trung Quốc do ông dịch. Tưởng ông phải bán điền sản mới có đủ tiền mua báo chí Trung Quốc để có nguồn mà dịch. Tôi đã lầm. Ông tải văn học Trung Quốc trên mạng xuống một nửa màn hình máy tính mà ông chia đôi, nửa còn lại là bản dịch Việt văn cứ đối xứng “tia” sang.

Láu thật đấy, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bài vở cứ từ máy tính nhà ở xã Lỗ Khê huyện Đông Anh e-mail đến e-box tòa soạn báo và nhà xuất bản. Tôi xui ông chơi game online. Rằng có game Audition English chơi mà học tiếng Anh của VTC Game đấy. Ông cần biết thêm tiếng Anh. Phòng khi nhân vật lứa tuổi teen trong truyện nó không nói ní hảo, mà lại nói good morning, thì ông còn biết đường mà dịch là xin chào buổi sáng. Ông cười hề hề: “-Có lí. Mà phải biết chơi game online nữa mới coi là hoàn toàn xóa mù chữ cấp độ 3 theo UNESCO!” “- Không sai – tôi khoe - Bà xã nhà tôi cũng đang cùng đứa cháu gái mỗi ngày một giờ chơi game Cooking mama để học thêm kĩ thuật nấu ăn Đông – Tây các kiểu!” “- Có chuyện đó ư?” “- Vâng! Đúng thế! Và còn hơn thế nữa.”

Đôi điều này, liệu có thể biện hộ cho “thân chủ” của tôi là “Game online?”

Theo Truyền Hình Số