Phản biện của các chuyên gia về quản lý game online

[28.07.2010]
Thân chào các bạn!

Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây các cơ quan quản lý đã có những động thái rõ rệt nhằm quản lý lĩnh vực Game Online hiện được cho là có mặt trái đã gây ra nhiều tệ nạn cho xã hội.

Tuy nhiên, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những đề xuất mới nhằm thắt chặt quản lý game online đã có những phản hồi góp ý từ nhiều chuyên gia cũng như kênh phát ngôn của chính các game thủ về các biện pháp hợp lý để quản lý tốt loại hình này.

Ngay từ đầu, những nhân vật có hiểu biết và có uy tín trong xã hội được phỏng vấn về việc này đã cùng có ý kiến nhận định game online không hoàn toàn xấu, nó chỉ có tác hại khi lạm dụng hoặc sử dụng sai cách thức. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho rằng, các GO có hai mặt tốt và xấu, nhưng dù chỉ có mặt tốt thì chơi quá nhiều cũng trở thành có hại.


Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một nhà khoa học nổi tiếng hiện đang là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng chia sẻ những nhận định về game online với báo điện tử Vnexpress theo phong cách vui vẻ thường có của ông: “Game online là một sản phẩm giải trí, vì thế nó rất hấp dẫn. Ngay vợ tôi những lúc rỗi rãi cũng cảm thấy thích thú với những game mini trên máy tính. Tuy nhiên, ham chơi một cách vô độ sẽ đem lại những hậu quả khôn lường.”


Cái gì quá cũng có hại, game online cũng không ngoại lệ.

Một chuyên gia khác về xã hội học là tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội cũng phát biểu trên báo Thanh Niên: “Phải nói rõ là bản thân game online (GO) không có lỗi, nó là một sản phẩm tiến bộ của công nghệ và không thể phủ nhận ý nghĩa giải trí, phát triển kỹ năng (phản ứng nhanh, tư duy logic...) của người chơi. Nhưng tất nhiên, bất cứ cái gì dù tốt đến mấy mà bị lạm dụng thì đều phản tác dụng.”

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng các chuyên gia có kinh nghiệm và kiện thức về các vấn đề xã hội, quản lý đều có nhận định chung, game online không phải là một mặt hàng có hại mà là một dịch vụ chưa được sử dụng đúng cách.

Về vấn đề chính, cách thức quản lý game online một cách hiệu quả các nhận vật được phỏng vấn cũng đồng ý với quan điểm rằng quản lý là kiểm soát chứ không phải cấm đoán. Tiến Sĩ Khuất Thu Hồng nêu rõ: “Nhưng nếu để tránh cho thanh thiếu niên rơi vào cảnh nghiện GO và cấm đoán bằng cách ngắt internet vào một giờ nhất định nào đó thì chỉ giải quyết phần “ngọn” mà thôi; liệu rằng sẽ cấm được bao lâu, hay cấm ở chỗ này thì nó lại “chạy” sang chỗ khác?


TS Khuất Thu Hồng - Ảnh: Tuệ Nguyễn

Giáo Sư Nguyễn Lân Dũng cũng ví von vui nhộn về quan điểm quản lý của mình: “Như tôi nói, cấm đoán sẽ không mang lại nhiều kết quả. Tôi phản đối cách nói: "Mở cửa ra nhưng không được để ruồi muỗi bay vào". Vấn đề là chúng ta phải tạo miễn dịch, để ruồi muỗi có bay vào nhưng vẫn không hề gì thì mới tối ưu.”

Với cái nhìn từ nhà quản lý cấp Bộ, ông Lưu Vũ Hải cũng chỉ ra: “Chúng ta không thể cấm đoán triệt để mà chỉ có thể áp dụng các nhóm giải pháp làm gia tăng tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực, lấy tích cực lấn át tiêu cực của game online.”


ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Tuy các ý kiến phản biện đều không đồng tình với việc cấm đoán quá nhiều mà thiếu các biện pháp uốn nắn quản lý nhưng tất cả đều hiểu, những động thái gần đây của các cơ quan quản lý không phải là tiêu cực. Nói cho cùng, các cơ quan đang thực hiện trách nhiệm về quản lý của mình trước tình hình phản ứng của dư luận xã hội, tuy nhiên về cách thức quản lý cần phải nghiên cứu thêm và điều chỉnh cho hợp lý hơn so với hiện tại.

Đó là lý do các chuyên gia được phỏng vấn đều gửi gắm kèm theo những nhận xét của mình những góp ý và định hướng quản lý rất đáng xem xét.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu với Vnexpress về nâng cao ý thức xã hội: “Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền đến từng gia đình, từng người dân, để nâng cao ý thức của toàn xã hội về tác hại của game online nếu chơi vô độ. Điều này tương tự như ở các quốc gia phát triển, người ta đã không cấm phim sex, đồ chơi tình dục, mại dâm, cờ bạc..., vậy mà vẫn bình thường, vì dân chúng có hiểu biết đúng nên không đưa đến các tác dụng tiêu cực gì lớn.”


ông Phạm Tấn Công

Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) trả lời báo Thanh Niên: “Cần phải xem xét bắt đầu từ khâu sản xuất, liệu chúng ta đã thực sự khuyến khích, tạo điều kiện phát triển GO tại VN chưa? Các GO giúp giáo dục, phát huy bản sắc văn hóa VN đã được quan tâm sản xuất chưa? Rồi việc quản lý các tiệm GO, giáo dục định hướng cho người chơi… Như vậy, vấn đề ở đây không phải là cấm hay không cấm GO mà là cách tiếp cận bắt đầu từ khâu khuyến khích, quản lý, đưa ra các quy định như thế nào cho phù hợp và liên quan đến tất cả các đối tượng.”


Cần giáo dục giới trẻ về hành vi và tạo sân chơi cho thanh thiếu niên. (Ảnh Wikipedia.org)

Tiến Sĩ Khuất Thu Hồng cũng chia sẻ quan điểm của mình: “Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải dạy thanh thiếu niên cách điều chỉnh hành vi của mình để không bị sa vào tình trạng nghiện GO như một loại bệnh; cũng như dạy các em biết nên lựa chọn loại GO nào phù hợp với lứa tuổi, sở thích mà không gây tác động tiêu cực.”

Từ những ý kiến trên cho thấy dư luận xã hội tuy rất lo lắng trước mặt trái của game online nhưng cũng không đồng ý việc cấm đoán. Các phát biểu của các chuyên gia thuộc các thành phần liên quan ở trên đều cho thấy cái xã hội cần là những biện pháp uốn nắn và quản lý tốt giúp ngành game nước nhà tiếp tục phát triển cao hơn chứ không phải khai tử từng phần của nó.

Tổng hợp từ thanhnien.com.vn và vnexpress.net