Game online không sinh ra để hủy hoại tuổi trẻ!

[10.08.2010]
Liên quan đến câu chuyện quản lý game online, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần phải có một sự thống kê, đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng cũng như nguyên nhân của vấn đề, nếu không biện pháp đưa ra chỉ luôn mang tính chất tình thế, không đáp ứng được mục tiêu lâu dài.

“Giọt nước tràn ly”

- PV: Trên diễn đàn Quốc hội cũng như ở các cuộc họp HĐND các tỉnh, thành phố nhiều đại biểu lo lắng cho rằng game online là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng bạo lực học đường, tội phạm tuổi vị thành niên, ông nghĩ sao về điều này?

- TSKH. Nghiêm Vũ Khải: Chỉ nên nhìn nhận game online là một trong những nguyên nhân gia tăng bạo lực học đường, tội phạm tuổi vị thành niên. Nhân cách, tâm hồn, trí tuệ của thanh thiếu niên là sản phẩm tổng hòa của nền giáo dục từ trong gia đình, nhà trường ra đến xã hội.

Game online là sản phẩm của việc ứng dụng CNTT, một hình thức giải trí mà thông qua đó còn có tác dụng giáo dục về nhận thức cũng như tình cảm. Chúng ta phải thừa nhận là nó cũng có nhiều mặt tốt, chứ game online không sinh ra với mục tiêu hủy hoại tuổi trẻ, không phải!

Những sự cố game online vừa qua thường xảy ra đối với các em thiếu sự giáo dục, giám sát của gia đình, nhà trường. Trong những trường hợp đó game online nhiều khi như “giọt nước làm tràn ly” chứ không hẳn là nguyên nhân sâu xa của vấn đề chúng ta đang muốn giải quyết.

Tôi cho rằng, trước ý kiến của dư luận, của các đại biểu dân cử thì cơ quan quản lý cần bình tĩnh, nghiêm túc triển khai việc thống kê, đánh giá chính xác thực trạng cũng như nguyên nhân của tình hình hiện nay.

Một khi chúng ta có đánh giá đúng thì mới có biện pháp đúng và đồng bộ, chứ nếu chúng ta thiên về cảm tính, hiện tượng thì biện pháp không đáp ứng được mục tiêu lâu dài.

Tránh biện pháp hành chính thuần túy

- Hiện có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá tác động khi tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam tăng cao, bên cạnh những yếu tố tích cực, gần đây dư luận xã hội cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước của Trung ương và địa phương tỏ ra quan ngại khi xuất hiện những vấn đề tiêu cực từ các “công dân điện tử”.

Do đó có xuất hiện tình trạng “xét lại” một số chính sách, xu hướng chung là bó lại thông qua các rào cản kỹ thuật… Việc này có cần thiết và liệu có xảy ra tình trạng chính sách thiếu nhất quán, ảnh hưởng không tốt đến chiến lược “mở” của ngành CNTT - viễn thông Việt Nam?

- Việc kiểm tra, rà soát, chính sách, pháp luật là việc làm thường xuyên để đánh giá tính khả thi, tính phù hợp và hiệu lực thi hành trong thực tiễn cuộc sống. Cái gì không phù hợp, sai thì phải bỏ, chưa đầy đủ thì bổ sung, đó là một quá trình liên tục cần làm.

Thực tế hiện nay là mặc dù chưa đầy đủ nhưng chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật hiện hành về quản lý dịch vụ internet (trong đó có game online) thì chúng ta đã có thể hạn chế được rất nhiều những ảnh hưởng tiêu cực của loại hình dịch vụ này.


TSKH Nghiêm Vũ Khải (ảnh Trần Đông)

Tuy nhiên, chỉ riêng các văn bản pháp lý là yếu tố cần, nhưng chưa đủ.

Không kém phần quan trọng là chúng ta cần phải có một quy trình và bộ máy quản lý có hiệu lực với kỷ cương nghiêm minh và trách nhiệm xã hội cao. Đồng thời phải áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh game online.

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, sai phạm hiện nay thì song song với việc rà soát, điều chỉnh khung pháp lý phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục ý thức pháp luật.

Chúng ta có đã có đủ cơ sở pháp lý và cơ sở đạo đức để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em. Tuy nhiên, không nên chỉ nhấn mạnh những biện pháp hành chính thuần túy là ngăn cấm.

Phát triển những game có nội dung lành mạnh

- Theo ông thì có cần thiết biến dịch vụ internet trở thành ngành kinh doanh có điều kiện (thêm nhiều giấy phép con) tương tự một số ngành kinh doanh đặc thù?

Tôi nghĩ rằng, dù có bao nhiêu giấy phép đi nữa nhưng nếu việc kiểm tra, đánh giá không nghiêm thì không thể ngăn chặn được vi phạm.

Việc xây và chống cần được thực hiện thường xuyên, cần đánh giá thực trạng ở nước ta và nghiên cứu kinh nghiêm một số nước về các biện pháp quản lý kinh doanh game online - một sản phẩm ảo.

Kinh nghiệm cho thấy khi dịch vụ ca nhạc lành mạnh phát triển thì ít ai còn nghe nhạc vàng. Bia nội địa có tính cạnh tranh cao về giá và chất lượng đã “đánh bạt” bia nhập ngoại. Do đó, hướng đi đúng tôi nghĩ là phải khuyến khích phát triển những Game online hấp dẫn có nội dung lành mạnh.

Ngoài ra phải quy định tăng trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ game online.

Tôi lấy ví dụ, ở nhiều nước để ngăn chặn tội phạm do uống rượu, bia thì các quán bán rượu bia không được bán sau 11 giờ đêm; không bán cho người dưới 20 tuổi, nếu nghi ngờ thì có quyền yêu cầu xem thẻ căn cước. Các máy bán bia tự động cũng ngừng bán sau 11 giờ đêm. Nếu ai vi phạm thì bị xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ kinh doanh và xem xét trách nhiệm trước pháp luật.

Vì vậy, tôi ủng hộ việc quy định một số nội dung như: quy định về độ tuổi được chơi một số game cố mức độ bạo lực cao; phụ huynh có quyền tố giác, khởi kiện những chủ đại lý internet vi phạm về độ tuổi, thời gian mở cửa, nội dung game; đồng thời quy định hình thức xử lý thật nghiêm các vi phạm đó.

Nếu ta làm tốt việc này thì tôi nghĩ không nhất thiết phải có “giấy phép con”.

Quản lý không theo kịp


- Về mặt chính sách phát triển công nghệ thông tin nói chung, internet nói riêng, Việt Nam so sánh với các nước trong khu vực và thế giới có “độ mở” như thế nào; trong thời gian tới, cụ thể kế hoạch 5 năm 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Việt Nam nên xây dựng theo hướng nào: tiếp tục “mở”hay điều chỉnh có lựa chọn?

Chính sách phát triển CNTT phải phù hợp với chính sách hội nhập, phát triển của đất nước. Vì vậy, việc tiếp tục phát triển CNTT là điều tất yếu, muốn thế thì chúng ta phải tiếp tục mở cửa, đó là chính sách nhất quán.

Luật Khoa học công nghệ năm 2000, Luật Công nghệ thông tin năm 2004 và đến năm 2005 có Luật về giao dịch điện tử, cuối năm 2008 chúng ta có Luật công nghệ cao, tất cả đều quy định công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư phát triển.

Cho đến nay mức độ hội nhập CNTT của ta là khá toàn diện, thành tựu đạt được là đáng ghi nhận. Khung pháp lý của lĩnh vực CNTT đủ để xây dựng nền CNTT phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ngoài ra, theo Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin - truyền thông ở mức rất cao.

Thực tế những năm qua cho thấy đây là hướng đi đúng, với những kết quả cụ thể, rõ nhất ở các con số về tỷ lệ sử dụng internet (băng thông rộng) cho hoạt động sản xuất kinh doanh, học tập, nghiên cứu và mật độ người dân sử dụng điện thoại tăng nhanh.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì quản lý nhà nước không theo kịp thực tiễn đang phát triển rất năng động. Đó là thực tế không chỉ diễn ra ở ngành công nghệ thông tin.

Vì thế, phải tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Đừng để những hạn chế của năng lực quản lý nhà nước kìm hãm phát triển, làm mất đi những cơ hội của đất nước, của người dân.

Theo Vietnamnet