Game online có thực sự là "tội ác"?

[04.08.2010]

(VNR500) - Bạn sẽ làm gì để góp phần lành mạnh hoá thị trường và hoạt động game online (trò chơi trực tuyến) tại Việt Nam hiện nay? Hãy cùng VNR500 thảo luận các giải pháp để quản lý và phát triển game online nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế sáng tạo này, hạn chế những tác động tiêu cực của nó. 

Game online là một trong những phần của công nghiệp nội dung số. Đây đồng thời là lĩnh vực có thể phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ kỹ sư phần mềm người Việt, là một phần của ngành kinh tế sáng tạo.

Đáng tự hào khi trong lĩnh vực này, Việt Nam là thị trường lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á với gần 20 nhà phát hành game trên cả nước. Doanh thu của ngành công nghiệp game trong năm 2009 ước đạt 1.200 tỷ đồng, chiếm 70% doanh thu của ngành nội dung số Việt Nam. Rõ ràng, đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, cần được chú trọng phát triển.   lượng doanh thu đó được trả c

Tuy nhiên, mặt trái của trò chơi trực tuyến, lâu nay báo chí đã gióng những hồi chuông báo động. Báo động khẩn cấp bởi đối tượng dễ bị lôi kéo lại là những đứa trẻ, lẽ ra giờ đó, ngày đó phải là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường trau dồi kiến thức chứ không phải ham chơi quên ngày tháng tại các quán internet tốc độ cao sẵn sàng phục vụ thượng đế nhí 24/24h

Hệ lụy, để có tiền chơi game, đứa trẻ ngoài bớt khẩu phần ăn, nói dối để xin tiền bố mẹ sẽ dần hư hỏng, trộm cắp, thậm chí giết người để lấy tiền chơi... Về lâu dài, nó như một chất gây nghiện cám dỗ lứa tuổi đang ăn đang nhớn, gây xáo trộn tâm lý theo hướng tiêu cực, khó kiểm soát hành vi bạo lực, phi đạo đức... (nhất là khi tiếp xúc với game nội dung xấu). Với người lớn, đó là sự hoang phí thời gian, sức lực, sao nhãng công việc, gia đình.

Chính vì thế mà hơn tuần nay,ngành quản lý đang “xắn tay” tìm biện pháp để quản trò chơi trực tuyến - vốn mang nhiều tiếng xấu trong xã hội. Bài toán “đau đầu” đặt ra là việc “dàn trận” ra sao để kết quả thắng lợi, sao cho ngành công nghiệp game non trẻ ở Việt Nam phát triển? Hàng loạt biện pháp đã được cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất nhằm siết chặt hoạt động game online, như tạm dừng ngay việc cấp phép các trò chơi đến khi có Quy chế về quản lý game online; tạm dừng quảng cáo game.

 Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ internet (ISP) sẽ phải ngừng cấp đường truyền đến các đại lý internet sau giờ đóng cửa theo yêu cầu của các địa phương (thường từ 23h-6h). Về lâu dài, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ bổ sung quy định về quản lý các trò chơi điện tử không nối mạng, lập dữ liệu CMND điện tử, ban hành Luật An toàn thông tin...  Những công việc này đang được triển khai rốt ráo để hướng tới một môi trường trong sạch cho hoạt động game online

Song, cái cách một báo giật tít: “Tội ác từ game online” - xem ra chưa thỏa đáng. Điều đó chỉ đúng khi nhìn nhận game ở mặt tiêu cực, những hệ lụy từ trò chơi trực tuyến mang tính chất bạo lực, kích dâm...

Trong việc quản lý game online, thay vì cấm hoàn toàn, cần có một giải pháp tổng thể hài hoà: một hướng chỉ đạo, quản lý hợp lý để vừa chặt được cái “vòi bạch tuộc” từ những game có nội dung xấu, vừa tạo điều kiện để các DN game trong nước có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo và nhập khẩu các game lành mạnh, nội dung tốt, phù hợp với đạo lý người Việt, có tính nhân văn, nâng cao kiến thức, nâng cao dân trí, nâng cao nhân cách... Song song đó, kiên quyết không cấp phép các game không “sạch”.

Như một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực này của Bộ TT-TT thừa nhận, để xây dựng được một game online đòi hỏi các DN phải có sự đầu tư rất lớn về nhân lực, tài chính cũng như thời gian. Nếu không có chính sách ổn định, nhất quán và nhìn nhận thực tế, khách quan sẽ rất khó để các DN đủ điều kiện và đủ dũng cảm để đầu tư.

Hơn nữa, cần phải thấy rằng tội ác bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác, chứ không nên đổ lỗi hoàn toàn cho một trò chơi. Vai trò của quản lý Nhà nước là một, vậy còn nhà trường, gia đình, xã hội...  như thế nào trong việc tăng cường quản lý, giáo dục con trẻ hạn chế thời gian chơi game và giúp trẻ tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh khác?. Vai trò của báo chí ra sao trong việc lên án, phê phán các game có nội dung xấu? Cơ quan cấp phép sẽ bị xử lý ra sao nếu để lọt lưới các game xấu?

Nếu việc quản lý trò chơi trực tuyến thiếu đồng bộ, thì có thể chặn được ở cửa chính, song nhiều cửa phụ khác lại lén lút mở ra để phục vụ người chơi, đặc biệt là những kẻ đam mê, những con thiêu thân bất chấp sẵn sàng lao vào.

Nguồn VietNamNet